ĐĂNG KÝ THÀNH VIÊN

tin tức - sự kiện

TƯ VẤN

TỶ GIÁ VÀNG
Vàng
Mua
Bán
SBJ
SJC
TỶ GIÁ NGOẠI TỆ
USD
EUR
GBP

Tin tức / Tin thị trường

chu01B0ngkhoan3

Sẽ có làn sóng gom cổ phiếu để lập quỹ chỉ số VN30? [03/02/2012]

Nhiều nhà đầu tư kỳ vọng các quỹ trong nước sắp tới sẽ phải mua CP để lập nên quỹ chỉ số nên họ tham gia mua trước chờ cơ hội bán giá cao hơn.

Vào ngày 6/2 tới đây, HoSE sẽ áp dụng chính thức chỉ số VN30, xoay quanh vấn đề này chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Việt Đức – Giám đốc Nghiên cứu và Phân tích kinh tế, Công ty cổ phần Quản lý Quỹ đầu tư Sài Gòn – Hà Nội (SHF).

Ông nhận định như thế nào chỉ số VN30 sắp áp dụng tới đây, đặc biệt khi mà đồ thị cả 2 chỉ số (VN30 và VnIndex) không có nhiều sự khác biệt và có khả năng VN30 vẫn chịu ảnh hưởng lớn của một số cổ phiếu như: VIC, MSN, VNM?

Hiện nay, 6 mã lớn nhất có tỷ trọng lớn nhất trên sàn là VIC, MSN, VNM, CTG, BVH, và VCB chiếm 57% VnIndex, theo cánh tính rổ VN30 thì 6 mã cổ phiếu trên chỉ còn chiếm 44%. Điều này do tỷ trọng cổ phiếu trên rổ tính trên số cổ phiếu có thể lưu hành (free-float), giúp giảm ảnh hưởng của những mã cố phiếu có vốn hóa lớn như BVH, CTG, VCB …mà nhà nước nắm cổ phiếu với tỷ lệ áp đảo.

Ngược lại, với các mã cổ phiếu vốn chiếm tỷ trọng cao trong rổ VnIndex trước kia mà không có cổ phần chi phối của nhà nước thì sẽ vẫn chiếm tỷ trọng cao trong rổ VN30 như VIC, MSN, VNM với tỷ trọng trong 2 rổ cổ phiếu (VnIndex và VN30) không thay đổi nhiều.

Do đó, điều quan trọng nhất mà VN30 làm được là giảm mức độ ảnh hưởng của nhóm cổ phiếu do Nhà nước nắm cổ phần chi phối là BVH, CTG và VCB và sẽ đưa các cổ phiếu có tỷ lệ lưu hành lớn như EIB, FPT, STB lên chiếm vị trí quan trọng hơn.

Nếu tính trên 6 cổ phiếu lớn nhất thì tỷ trọng này cũng chỉ giảm nhẹ từ 57% (VnIndex) xuống 54% (VN30). Tính trên 10 cổ phiếu lớn nhất thậm chí VN30 còn có độ tập trung cao hơn khi tỷ trọng 10 cổ phiếu lớn nhất trên VnIndex là 67% nhưng với VN30 là 71% do có ít cổ phiếu trong rổ hơn. Tóm lại VNI30 sẽ vẫn bị chi phối bởi một nhóm cổ phiếu nhất định mà chủ yếu vẫn là những cái tên cũ VIC, MSN, VNM.

Việc giới hạn tối đa một cổ phiếu chỉ được chiếm tỷ trọng 10%, trên thực tế điều này cũng không có tác động nhiều lắm vì cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn nhất trong rổ tính VnIndex hiện nay là VIC cũng chỉ chiếm tỷ lệ 11%.

Tóm lại, VN30 sẽ vẫn bám sát VnIndex và thay đổi lớn nhất chỉ là việc giảm tỷ trọng ảnh hưởng của nhóm cổ phiếu do Nhà nước nắm quyền chi phối.

Còn các cổ phiếu được chọn trong VN30 thì ông nhận xét thế nào?

Các cổ phiếu được chọn chủ yếu dựa trên vốn hóa. Điều này tuy nhiên lại dẫn tới một vấn đề là nhiều công ty có vốn hóa cao nhưng kết quả kinh doanh còn yếu kém (có thể thấy khá nhiều mã hiện có thị giá thấp hơn cả mệnh giá) vẫn thuộc nhóm VN30 này. Do đó, nhà đầu tư nên hiểu đây là chỉ số của những mã có vốn hóa lớn nhất chứ không hoàn toàn là các mã chứng khoán tốt nhất trên sàn chứng khoán Hồ Chí Minh.

Việc hiện nay chúng ta vẫn chia tách hai sàn chứng khoán nên một số cổ phiếu vốn hóa lớn, chất lượng tốt trên HNX vẫn chưa được vào danh sách này.

Dự tính với việc hợp nhất hai sở thì sẽ có một số sự thay đổi đối với chỉ số VN30 này.

Theo ông liệu có xu hướng các quỹ thành lập quỹ ETF đầu tư theo VN30 không?

Nếu nhìn vào danh mục của các quỹ ETF đã được thành lập trước là FTSE Vietnam index và Market Vectors Vietnam thì có thể thấy rổ cổ phiếu của họ cũng không khác biệt nhiều so với VN30. Có thể các quỹ này sẽ phải điều chỉnh danh mục khi họ chọn VN30 làm tham chiếu thay vì VnIndex. Và điều này có thể dẫn tới việc giảm tỷ trọng các mã như BVH, CTG, VCB và tăng tỷ trọng một số mã như EIB, STB, FPT.

Tuy nhiên việc chọn VN30 hay VnIndex làm tham chiếu hoàn toàn là quyết định của các quỹ này và với thanh khoản thấp của những mã như BVH hiện nay thì việc thay đổi quyền số cũng không phải việc dễ dàng.

Đối với các quỹ trong nước, việc thiết lập quỹ chỉ số là một bước tất yếu. Sau khi chỉ số VN30 ra đời và UBCK cho phép thiết lập quỹ chỉ số, tôi cho rằng sẽ có một số công ty quản lý quỹ tung ra sản phẩm quỹ chỉ số.

Điều này sẽ giúp nhà đầu tư giảm thời gian phân tích và họ có thể chỉ mua chứng chỉ quỹ này và dự đoán VnIndex lên và xuống thay vì phải phân tích cụ thể từng mã cổ phiếu và qua đó giảm thiểu rủi ro việc đầu tư sai hoặc thiếu thông tin khi đầu tư vào các mã cổ phiếu riêng lẻ.

Ông có rằng, sau khi được áp dụng VN30 sẽ tạo ra một mặt bằng mới không? Mặt bằng đó sẽ như thế nào đối với các nhà đầu tư bao gồm cả tổ chức và cá nhân?

Như tôi có phân tích ở trên, thực tế thì chỉ số VN30 cũng sẽ không tạo nhiều khác biệt so với chỉ số VnIndex cũ, trừ việc giảm tỷ trọng của các mã do nước ngoài nắm chi phối (điều này cũng thay đổi cùng với việc nước ngoài giảm sở hữu ở các công ty này).

Tuy nhiên có lẽ giới đầu tư đã trông chờ quá lâu vào các động thái mới về chính sách nên chỉ số này ra đời đã góp phần cải thiện tâm lý đầu tư và giúp chứng khoán tạo đáy trước Tết.

Ngoài ra, có thể nhiều nhà đầu tư kỳ vọng các quỹ trong nước sắp tới sẽ phải mua cổ phiếu để lập nên quỹ chỉ số nên họ tham gia mua trước chờ cơ hội bán giá cao hơn, nhất là khi giá cổ phiếu đã trở nên rẻ nhất trong lịch sử.

Sự thành công của VN30 tùy thuộc phần lớn vào một yếu tố quan trọng khác là việc ra đời các quỹ chỉ số dựa trên rổ cổ phiếu VN30 này.

Điều này giúp cho nhà đầu tư có thể theo sát diễn biến của chứng khoán chung mà không bị tác động tiêu cực từ việc thiếu thông tin khi đầu tư vào một mã cổ phiếu cụ thể.

Sự kết hợp giữa VN30 và quỹ chỉ số sẽ tạo nên sản phẩm mới hấp dẫn với kỳ vọng có thể làm thay đổi phương thức đầu tư thiên về đầu tư cá nhân và đầu tư vào một số mã cổ phiếu riêng lẻ sang đầu tư tổ chức tập trung vào một cổ phiếu duy nhất là VN30.

Xin cảm ơn ông!

Khánh Linh (thực hiện)

Theo TTVN