ĐĂNG KÝ THÀNH VIÊN

tin tức - sự kiện

TƯ VẤN

TỶ GIÁ VÀNG
Vàng
Mua
Bán
SBJ
SJC
TỶ GIÁ NGOẠI TỆ
USD
EUR
GBP

Tin tức / Kỹ xảo giao dịch chứng khoán

doanhnghiep2

Giải pháp nào cứu DN thoát lỗ? [22/08/2011]

Nhìn TTCK VN, nơi phản ánh bức tranh nền kinh tế, dễ thấy một bức tranh bi quan trong nhiều lĩnh vực, khi sản xuất nội địa các ngành từ thép, xi măng, nhựa… đều lỗ, BĐS và CK thì quá lỗ, khỏi phải bàn.

Nếu cơ quan quản lý không có các biện pháp tháo gỡ khó khăn kịp thời thì một phần ba DN ở Việt Nam có khả năng tan rã và TTCK Việt Nam cũng khó có thể đứng vững được.

Mùa công bố kết quả kinh doanh quý II sắp qua, nhưng chưa có CTCK hay tổ chức nào tổng kết để thấy được bức tranh đầy đủ về hoạt động kinh doanh của các DN niêm yết. Vì thế, nhà đầu tư chỉ có một cảm nhận chung chung rằng: nhiều công ty lỗ và lỗ lớn.

Bên cạnh việc công bố kết quả kinh doanh một cách chiếu lệ, đủ để đáp ứng quy định pháp lý, không một DN nào muốn nói thêm về hoạt động của họ, dù thực tế DN đang báo lỗ hay lãi. Thậm chí, Chủ tịch HĐQT một công ty niêm yết lớn chia sẻ, tin tốt ra cũng không khiến chứng khoán tăng giá được, vậy thì công bố thông tin để làm gì. Việc thiếu thông tin về DN cũng khiến cộng đồng nhà đầu tư quốc tế nhìn TTCK Việt Nam một cách thiếu tích cực.

Bên lề một hội thảo mới đây, lãnh đạo UBCK chia sẻ, khi UBCK yêu cầu Sở GDCK cung cấp danh sách 20 DN niêm yết tiêu biểu trên TTCK Việt Nam để thực hiện thí điểm chương trình quảng bá chứng khoán Việt trên kênh tài chính quốc tế thì trong danh sách đưa lên có cả những DN đang…lỗ. Chứng khoán tiêu biểu mà công ty lại có kết quả kinh doanh lỗ thì thử hỏi, quảng bá cách gì để người ta tin tưởng và đầu tư? Ý tưởng mới, rất thiết thực, nhưng đã không thành.

Nhìn TTCK Việt Nam, nơi phản ánh bức tranh nền kinh tế, người ta dễ thấy một bức tranh bi quan trong nhiều lĩnh vực, khi sản xuất nội địa các ngành từ thép, xi măng, nhựa… đều thua lỗ, bất động sản và chứng khoán thì quá lỗ, khỏi phải bàn. Chỉ lác đác một số nhóm ngành hưởng lợi từ lợi thế tự nhiên, như khoáng sản, tài nguyên…mà nguồn lợi nhuận này không thể là vô tận. Thậm chí, giá cà phê tăng rất cao, gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng 2 công ty niêm yết trên sàn Hà Nội chuyên về kinh doanh xuất nhập khẩu và chế biến cà phê vẫn…thua lỗ.

Nhìn vào thanh khoản và những khó khăn hiện hữu, nhiều nhà đầu tư tự hỏi tiền đồng đi đâu? Mới đây nhất, 40 DN nhà nước và tư nhân quy mô lớn đã gửi kiến nghị lên Chính phủ xin tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng DN. Các DN kiến nghị Chính phủ cho các ngân hàng thương mại được cơ cấu nợ đối với các khách hàng gặp khó khăn do tác động của lạm phát và các nguyên nhân khách quan của nền kinh tế. Đề nghị NHNN thực hiện tái cấp vốn cho ngân hàng tương ứng với khoản đã tái cơ cấu để ngân hàng tiếp tục cấp tín dụng cho họ.

Đồng thời, các DN đều mong muốn Ngân hàng Nhà nước nhanh chóng có giải pháp hạ lãi suất. Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam từng nói "với lãi suất cao và tình hình kinh tế u ám như hiện nay thì một phần ba DN ở Việt Nam có khả năng tan rã".

Ngay trong định hướng về chống lạm phát, cả những DN lớn đều băn khoăn, mơ hồ trong quá nhiều thông tin. Chống lạm phát cao có đồng nghĩa với duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt và liệu chính sách đó có phù hợp với tình hình ở Việt Nam hay không, khi thực tế lạm phát tháng 8 vẫn duy trì ở mức cao?

Liệu với hiện trạng kinh tế hiện nay, hạ lãi suất có phải là giải pháp cần ưu tiên hàng đầu? Nếu không hạ được lãi suất, có cách nào để cứu DN trong bối cảnh bị kẹt giữa một bên là lãi suất quá cao, một bên là lạm phát cao tương ứng - gây hệ lụy đình trệ tiêu dùng, đình trệ sản xuất, hay không? Chỉ khi những câu hỏi này tìm được lời giải thích đáng thì DN và TTCK mới có cơ hội "sáng" hơn.